"Nếu bạn không muốn làm gì đó, hãy thỏa thuận ngầm với chính mình là làm việc đó ít nhất 5 phút thôi. Sau 5 phút, bạn sẽ thấy mình đang làm việc đó và không dừng lại nữa", CEO Instagram chia sẻ.
Systrom không phải là người đầu tiên nhắc đến tác dụng của quy tắc "5 phút" và các biến thể của nó. Nhưng nếu muốn tận dụng triệt để gợi ý của Systrom, ta cần phải hiểu tại sao bí quyết này lại hiệu quả đến vậy.
"Hầu hết sự trì hoãn là do sợ hãi hoặc mâu thuẫn nội tại", Christine Li, một nhà tâm lý học lâm sàng, cho biết. Ngay cả khi chúng ta có động lực để hoàn thành một việc thì sự sợ hãi - sợ thất bại, chỉ trích hay stress - cũng khiến ta chùn bước.
Chúng ta muốn hoàn thành dự án nhưng cũng không muốn nỗi sợ kia trở thành hiện thực. "Sự mâu thuẫn này khiến ta không thể tiến lên được, và điều đó khiến chúng ta chững lại với sự trì hoãn, kể cả khi làm thế là vô lý".
Nguyên tắc 5 phút sẽ giảm bớt sự ức chế này, dụ chúng ta vào ý tưởng là mình có thể nhúng tay chốc lát vào một dự án mà không ràng buộc gì cả.
Vì thế ta có quyền quyết định cam kết của mình sau khi 5 phút kết thúc, và điều này làm tăng cảm giác tự chủ và ra quyết định độc lập, chứ không phải cảm giác bị buộc phải làm gì đó mà ta không thực sự muốn làm.
Phương pháp này cũng làm giảm bớt cái mà các nhà tâm lý học gọi là "chi phí của một hoạt động", gồm có chi phí về cảm xúc (sợ hãi hoặc lo lắng), chi phí cơ hội (không thực hiện được các hoạt động khác), và chi phí nỗ lực (hoạt động này khiến ta mệt mỏi thế nào).
Động lực thực hiện một hành động sẽ tăng lên khi các chi phí này giảm đi. Vì thế so với một giờ làm việc, quãng thời gian chỉ 5 phút sẽ biến một gánh nặng thành cái gì đó nhanh chóng và lý thú.
Điều cốt yếu của quy tắc 5 phút nằm ở chỗ tại sao chúng ta lại tiếp tục sau khi 5 phút kết thúc một khi đã bắt tay vào việc. Một phần lý do là kỳ vọng về cách chúng ta cảm nhận trong suốt một hoạt động thường không chính xác. Một khi bạn bắt đầu, bạn thường có thái độ tích cực hơn so với mình mường tượng.
Ví dụ, nghiên cứu cho thấy nhìn chung các sinh viên nữ tin rằng họ học toán kém hơn so với các sinh viên nam. Tuy nhiên sự khác biệt về giới lại biến mất khi họ được khảo sát về khả năng và sự lo lắng trong một bài kiểm tra toán.
Điều đó cho thấy kỳ vọng của các sinh viên nữ về những cảm xúc tiêu cực đối với môn toán không giống với cảm xúc thực của họ khi họ làm toán.
Hơn nữa, hầu hết các hoạt động, kể cả rửa bát hay kiểm tra chính tả một bài viết, cũng đều tạo ra trạng thái "dòng chảy", một thuật ngữ do nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi đặt tên và tạo ra.
Trong trạng thái này, chúng ta trở nên mải mê với một hoạt động đến nỗi quên hết mọi thứ xung quanh, khiến thời gian như thể đang trôi rất nhanh. Dòng chảy này nhiều khả năng xuất hiện hơn ở các hoạt động nhiều thử thách và kích thích.
Rốt cuộc thì, bí quyết 5 phút của Systrom xoay quanh câu hỏi làm thế nào để ta kiểm soát được công việc của mình.
Sau 5 phút làm việc tập trung cao độ, một dự án lớn vẫn là một dự án lớn – nhưng khi đã vượt qua được trở ngại ban đầu, nó sẽ không còn là điều không thể nữa.
Theo Trí Thức Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét