"Càng làm, càng hăng" là lý do mà rất nhiều công ty, startup, phân xưởng, nhà máy đưa ra nhằm yêu cầu người lao động làm thêm giờ.
Tuy nhiên, có một sự thật về năng suất làm việc, đó là mỗi khi chúng ta lao động hăng say tới một ngưỡng nào đó - tạm gọi là đạt đỉnh, tự khắc năng suất làm việc sau đó sẽ bị giảm đi.
Nói cách khác, khả năng lao động của con người cũng giống như một biểu đồ hình sin. Làm càng nhiều, xuống sức càng nhanh, trừ khi chúng ta là một cái máy.
Thế nhưng, thực tế không phải ai cũng hiểu được điều này. Càng ở vĩ trị lãnh đạo, người ta càng nghĩ: cứ giữ nhân viên ngồi ở bàn làm việc càng lâu, thì họ sẽ làm được nhiều việc hơn.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, các nhà tâm lý học đã tiến hành một số thí nghiệm và phát hiện ra rằng, con con người chỉ có thể làm 4-5 tiếng đúng năng suất trong 1 ngày.
"Sau khi làm việc hết năng suất, họ có xu hướng chững lại, và bắt đầu kém đi", chuyên gia tâm lý học K. Anders Ericsson cho hay. "Nếu sếp ép nhân viên làm việc ngoài khả năng tập trung của họ, họ sẽ phát sinh những hành vi xấu. Tệ hơn, những hành vi đó còn có khả năng xuất hiện ngay cả khi ở điều kiện bình thường".
K. Anders Ericsson cho rằng, những hành vi xấu đó có thể là: tinh thần chán nản, thiếu tập trung trong công việc, luôn phản ứng thái quá trước những quyết định của công ty, sếp...
Về lâu về dài, năng suất làm việc của nhân viên sẽ giảm đi, sức khỏe thậm chí cũng bị ảnh hưởng. Bởi theo một nghiên cứu ở Nhật, những người làm việc chạm ngưỡng 10 tiếng mỗi ngày và chỉ ngủ 6 tiếng có khả năng mắc bệnh trầm cảm cao hơn 97%.
Đơn cử như với ngành y tế, các bác sĩ, y tá thường phải làm việc vượt ngưỡng 40 tiếng mỗi tuần. Nghiên cứu chỉ ra rằng, càng phải tăng ca, làm thêm giờ, những sai sót trong công việc sẽ càng tăng lên. Nhất là công việc liên quan tới hoạt động trị liệu, băng bó vết thương... liên quan trực tiếp tới sức khỏe người bệnh.
Hoặc như nghiên cứu của Đại học Ohio (Mỹ) với 7.500 tình nguyện viên đã tìm ra mối liên hệ giữa những chứng bệnh nghiêm trọng và số giờ làm việc trong khoảng 32 năm. Theo đó, người làm việc trên 60 tiếng/tuần có nguy cơ mắc tiểu đường, ung thư, rối loạn tim và viêm khớp cao hơn gấp 3 lần so với người thường.
Dù chưa có bất kì nhà tâm lý học nào đưa ra được một lịch làm việc "quy chuẩn", nhưng theo K. Anders Ericsson: "Nếu sếp chỉ bắt nhân viên làm việc 4 giờ mỗi ngày, tự khắc năng suất làm việc sẽ cao hơn, mọi thành viên trong công ty sẽ mạnh khỏe và hạnh phúc hơn".
Minh chứng là như trường hợp của công ty Treehouse vào năm 2006, CEO Ryan Carson chỉ yêu cầu nhân viên của mình làm việc đúng 32 tiếng 1 tuần. Nhờ đó, nhân viên ở Treehouse luôn vui vẻ và làm việc có năng suất. Thậm chí, doanh thu năm đó của Ryan Carson lên tới 1 triệu USD.
Tương tự như vậy, vào năm 2013, Nate Reusser - nhà sáng lập công ty Reusser Design cũng chỉ yêu cầu nhân viên của mình làm việc 4 ngày 1 tuần. Và kết quả là năng suất làm việc của nhân viên thiết kế ở đây đã tăng vọt.
Nhìn chung, các ví dụ đều chỉ ra rằng, làm thêm giờ, hay làm quá nhiều đều không có lợi cho cả nhân viên lẫn công ty. Bởi sự tập trung của mỗi chỉ duy trì được trong một khoảng thời gian nhất định (khoảng 4 giờ/ngày).
Chính vì vậy, rút ngắn thời gian ở văn phòng, đẩy cao sự tập trung của nhân viên khi làm việc sẽ là giải pháp tốt nhất cho các công ty hiện nay. Không chỉ đầu óc, mà cả sức khỏe của chúng ta sẽ được nâng cao.
Theo Trí Thức Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét