1. Tại sao nước không có vị gì?
Theo giải thích của tờ Popular Science, sở dĩ nước không có vị gì là bởi trong tự nhiên, nước vốn đã vô vị. Ngoài ra, do lưỡi của con người vốn không có các thụ cảm với nước. Do đó, có ngậm nước trong mồm bao lâu, chúng ta cũng không cảm nhận được hương vị của chúng.
Bên cạnh đó, cũng có một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nước thực ra có hương vị, nhưng con người khó mà phân biệt được. Các nhà khoa học nói thêm, nếu chưng nước cất (nước tinh khiết) ở phòng thí nghiệm, thì tùy vào điều kiện sẽ cho ra mùi vị khác nhau. Một số người sẽ cảm nhận được vị đắng nhẹ trên đầu lưỡi, trong khi phần đông lại thấy vô vị.
2. Tại sao nước trong ao hồ lại tĩnh lặng về đêm?
Không phải ngẫu nhiên cứ về đêm là mặt nước lại tĩnh lặng, như một số tác phẩm văn học từng mô tả. Theo giải thích, sở dĩ ở khoảng thời gian ban ngày, mặt nước dao động là do có sự chênh lệch nhiệt lượng khiến áp suất khác nhau - chính là nguyên nhân tạo ra gió.
Ban ngày, Mặt Trời tỏa nhiệt lượng làm cho mặt đất sẽ nóng hơn trên ao hồ. Còn khi đêm đã xuống, nhiệt độ trên mặt đất dịu lại, chênh lệch không đáng kể so với mặt nước, áp suất giảm xuống, khả năng tạo ra gió thấp hơn.
3. Tại sao rau củ để trong tủ vẫn "sống" được?
Theo các nhà khoa học tại trường Rice và California, rau củ vẫn có thể "sống" được ngay cả khi đặt trong tủ lạnh. Tại sao vậy?
Nhà sinh vật học Janet Braam cho hay: "Củ quả và trái cây không hề chết tại thời điểm thu hoạch. Thực ra, chúng có thể phản ứng với môi trường bên ngoài trong nhiều ngày sau đó".
Bên cạnh đó, nhà sinh vật học này cũng nói thêm, để giúp rau củ sống sót sau đó, họ hoàn toàn có thể sử dụng ánh sáng để đánh lừa, nghĩa là kích thích rau củ sản sinh thêm các chất chống oxi hóa, chống ung thư như được nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên.
4. Tại sao vết thương lên da non lại gây ngứa?
Thông thường, khi chúng ta bị ngứa da thường có 2 tác nhân gây ra. Tác nhân đầu tiên là phản ứng cơ học, nghĩa là dây thần kinh đang cảnh báo chúng ta về một sự việc nào đó, có thể là côn trùng bò lên người, cũng có thể là bị muỗi đốt... Nhìn chung, đây là một loại phản ứng tự vệ bản năng.
Còn tác nhân thứ hai là phản ứng hóa học, nghĩa là xuất hiện một dẫn chất gây kích ứng cho da. Phản ứng này cũng giống như vết thương đang trong thời kì lên da non. Một lượng lớn hoóc môn sẽ được giải phóng bởi các tiểu cầu cùng các tế bào miễn dịch. Hoóc môn này cũng đồng thời nới rộng các mạch máu, kích thích cảm giác ngứa trên người.
5. Tại sao trời càng lạnh, viên pin lại càng hoạt động kém đi?
Có thể bạn đã biết, dòng điện có được để phục vụ các thiết bị điện tử dùng pin là do phản ứng hóa học tạo ra các electron trong viên pin đó. Nên khi trời lạnh đi, nhiệt độ giảm, phản ứng hóa học sẽ chậm lại.
Nếu trời quá lạnh, nhiệt độ giảm tới một ngưỡng nhất định, viên pin sẽ không thể tạo ra một dòng điện đủ lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của thiết bị. Điều này giải thích tại sao, trời càng lạnh, viên pin lại càng hoạt động kém đi.
Theo Trí Thức Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét