Với sự bùng nổ của mạng xã hội, mỗi người trong chúng ta lại sử dụng Facebook cho những mục đích khác nhau. Một số người sử dụng nó để giữ liên lạc với bạn bè nhưng những người khác lại dùng nó để khoe những tác phẩm sáng tạo của mình. Những người khác sử dụng Facebook như một nơi để theo dõi tin tức...
Mới đây, một nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Cộng đồng ảo và Mạng xã hội Quốc tế cho thấy người dùng Facebook được chia thành những nhóm khác nhau. Cụ thể, các nhà nghiên cứu cho rằng người dùng Facebook được chia thành bốn nhóm: Nhóm xây dựng các mối quan hệ, nhóm dùng Facebook cho có, nhóm chuyên đưa chuyện và cuối cùng là nhóm chuyên selfie.
Để có kết quả này các nhà khoa học tại Trường Truyền thông thuộc Đại học Brigham Young đã tiến hành một cuộc khảo sát, yêu cầu các đối tượng tham gia trả lời 48 câu hỏi liên quan tới Facebook. Đối tượng tham gia khảo sát là những người dùng Facebook tại Mỹ trong độ tuổi từ 18 tới 32. Với mỗi câu hỏi, những người tham gia khảo sát phải chọn những trả lời như: "rất giống tôi", "không giống tôi"...
Khi đọc chi tiết về các nhóm người dùng Facebook ở dưới đây bạn có thể thấy mình thuộc nhiều hơn một nhóm. Dẫu vậy, do nghiên cứu được tiến hành tại Mỹ và với người dùng từ 18 tới 32 tuổi nên trên thế giới hoặc ở độ tuổi lớn hơn có thể có những nhóm người dùng Facebook khác. Hơn nữa, những gì xảy ra trong cuộc đời bạn có thể thay đổi thái độ của bạn về Facebook và hành vi của bạn trên internet.
Dưới đây là 4 nhóm người dùng Facebook được xếp loại bởi nghiên cứu nói trên:
Nhóm xây dựng các mối quan hệ
Nhóm này sử dụng Facebook để tăng cường các mối quan hệ hiện tại với bạn bè và gia đình giống như cách mà con người từng sử dụng thư, điện thoại bàn. Trên thực tế, theo Tom Robinson, phó giám đốc của Trường Truyền thông BYU, những người này coi Facebook là một phần mở rộng của cuộc sống đời thực. Họ dùng Facebook để bày tỏ tình yêu với gia đình, bạn bè và để gia đình, bạn bè bày tỏ tình yêu với họ.
Như các nhà khoa học giải thích trong nghiên cứu, nhóm này không coi Facebook là một mạng xã hội ảo cởi mở. Thay vào đó, họ coi nói như một nơi để kể những câu chuyện cá nhân, nơi chia sẻ thông tin với bạn bè và gia đình. Một ứng viên tham gia khảo sát nói rằng thay vì gọi điện cô dùng Facebook để chào hỏi và chia sẻ tình cảm với người thân.
Nhóm xây dựng các mối quan hệ có xu hướng đăng tải nhiều status và thích xem ảnh, video của mọi người. Họ cũng thường xuyên bình luận về ảnh và những status mà người khác chia sẻ cũng như rất tích cực tán gẫu qua tin nhắn.
Nhóm dùng Facebook cho có
Bị dẫn dắt bởi cảm giác nghĩa vụ xã hội, nhóm người dùng này coi Facebook là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại nhưng họ ít khi thổ lộ thông tin cá nhân, chia sẻ hình ảnh hoặc viết status. Họ cũng không thích "like" và bình luận.
Những người thuộc nhóm này thường thích âm thầm, tự do vào trang Facebook mà người họ thích để xem những gì anh/cô ta quann tâm và trạng thái quan hệ của người ấy. Hoặc họ buộc phải dùng Facebook để giữ liên lạc với mọi người chứ không thích thú gì.
Một người dùng Facebook thuộc nhóm này chia sẻ rằng anh ta thích cuộc sống thực hơn là Facebook. Một người khác chia sẻ rằng: "Facebook không phải là nơi để tôi chia sẻ những điều cá nhân hoặc những gì diễn ra trong cuộc sống hàng ngày bởi nếu ai muốn biết những điều đó họ sẽ tự gặp tôi để tìm hiểu".
Nhóm đưa chuyện
Thường thì những người thuộc nhóm này là nhà báo, nhà hoạt động hoặc người chuyên tổ chức sự kiện. Họ coi Facebook như một nơi để chia sẻ những thông tin sốt dẻo. Không giống như nhóm xây dựng các mối quan hệ, thế giới ảo của nhóm đưa chuyện hoàn toàn khác với cuộc đời thực. Họ có thể chia sẻ những thông tin mà họ cảm thấy phải cho mọi người biết bất chấp đó là người quen hay người lạ.
"Đôi lúc họ chia sẻ những thứ mà họ chẳng quan tâm người ta có thích hay không", Kris Boyle, một giáo sư báo chí tại BYU, đồng tác giả của nghiên cứu, chia sẻ.
Những người thuộc nhóm này thường mau chóng chia sẻ những vấn đề lớn, những tin tức giật gân và xem Facebook là nơi tốt nhất để làm điều này. Tuy nhiên, đừng mong họ chia sẻ thông tin cá nhân. Mặc dù tập trung chủ yếu vào việc phát tán tin tức và mời mọi người tham gia vào các sự kiện nhưng nhóm đưa chuyện có xu hướng hạn chế tiết lộ thông tin các nhân trong các hoạt động trên Facebook của họ.
Dù vậy, ít chia sẻ và tương tác trên Facebook không đồng nghĩa với việc họ thiếu quan tâm tới người thân quen. "Tôi không nói chuyện với gia đình mình trên Facebook", một người dùng thuộc nhóm này chia sẻ. "Họ quan trọng hơn thế".
Hầu hết người dùng Facebook thuộc nhóm đưa chuyện chọn điện thoại, nhắn tin qua điện thoại hoặc các ứng dụng tin nhắn để trò chuyện với người thân quen.
Nhóm thích selfie
Nhóm cuối cùng, những người thích selfie, rất quen thuộc với chúng ta. Nhóm selfie cũng dùng Facebook để đăng trạng thái, ảnh và video giống như nhóm xây dựng các mối quan hệ. Tuy nhiên, họ chủ yếu tập trung vào việc gây sự chú ý cho bản thân.
Càng nhận được nhiều lượt "like" và bình luận, nhóm thích selfie càng cảm thấy được bạn bè, người thân thừa nhận. Với họ, chụp ảnh và để nguyên trên điện thoại là một điều vô ích nhưng đăng ảnh lên Facebook khiến họ cảm thấy như đã hoàn thành một công việc.
Trí Thức Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét