Có những lúc chúng ta tự hỏi, tại sao những người được cho là thông minh lại thất bại trong cuộc sống và những người vốn nhận thức không tốt trên ghế nhà trường lại trở nên rất thành công khi trưởng thành. Vậy bên cạnh những nhân tố ngoại cảnh lẫn yếu tố bên trong như môi trường sống và học tập, sự may mắn, tính cách của mỗi người… thì đâu là nguyên nhân cho những hiện tượng này?
Ba năm trước đây, tôi từng được nghe một bài giảng về nhận thức mà nhờ đó, tôi đã thay đổi cách suy nghĩ của mình về trí thông minh. Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến 2 loại nhận thức, đó là: nhận thức thông thường và siêu nhận thức (hay tư duy về tư duy). Nếu như nhận thức thông thường là khả năng gợi lại những kiến thức từ bộ nhớ thì siêu nhận thức là quá trình tư duy của một người và khả năng kiểm soát, điều chỉnh quá trình đó.
Ví dụ, khi bạn làm bài kiểm tra và suy nghĩ để đưa ra câu trả lời thì đó là nhận thức thông thường. Còn ví dụ về siêu nhận thức là khi bạn đã biết câu trả lời nhưng không thể tìm ra đúng từ ngữ để diễn đạt ý muốn nói, hiện tượng này còn được gọi là “tip of tongue” và trong những trường hợp này, siêu nhận thức tồn tại mà không có nhận thức.
Nói tóm lại, nhận thức là sự hiểu biết còn siêu nhận thức là ý thức được bản thân có biết hay không. Cả hai có thể cùng tồn tại, nhưng trong nhiều trường hợp thì không.
Vậy điều này ảnh hưởng như thế nào đến trí thông minh?
Trên thực tế, hai loại khả năng nhận thức khác nhau cũng có nghĩa là có nhiều loại trí thông minh khác nhau. Trong giáo dục truyền thống, trí thông minh được đo bằng khả năng nhận thức. Một số học sinh nhận thức tốt có thể dễ dàng thể hiện được những gì họ biết trong các bài kiểm tra.
Nhưng những học sinh với nhận thức kém hơn thì lại gặp khó khăn trong việc diễn đạt nên thường nhận điểm thấp và bị đánh giá là kém hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những học sinh này kém thông minh. Họ biết câu trả lời. Và nếu được hỏi một câu hỏi nào đó thì họ biết có thể tham khảo từ cuốn sách nào hay tìm kiến trên Google.
Thực tế là, họ cũng hiệu quả như những học sinh nhận thức tốt khi làm bài kiểm tra vậy. Chỉ là họ gặp khó khăn trong việc chứng minh điều đó mà thôi.
Nhận thức được điều mình biết có tầm quan trọng như thế nào?
Trừ khi bạn đang làm bài thi hay tham gia chương trình đố vui kiến thức truyền hình Mỹ, trong thực tế để thành công thì siêu nhận thức có tầm quan trọng hơn so với nhận thức.
Trong cuộc sống thực tại, khi bạn phải đối mặt với một câu hỏi thì quyết định đầu tiên của bạn là mình có biết câu trả lời hay không. Nếu khả năng siêu nhận thức của bạn tốt, điều này không mấy khó khăn. Bởi nếu bạn đã biết câu trả lời nhưng khó diễn đạt điều muốn nói thì bạn luôn có thể nghiên cứu thêm. Nếu nhận thức được rằng mình không biết câu trả lời, thì đó lại là cơ hội để bạn tự tìm hiểu để khám phá những kiến thức còn chưa biết.
Trên thực tế, một người nhận thức kém nhưng cũng có thể có khả năng siêu nhận thức rất tốt. Họ có thể rất kém ở trường học song khi phải đối mặt với một thử thách trong thực tế, họ hiểu rõ khả năng của bản thân và thậm chí có thể đưa ra những hành động phù vô cùng hợp lí. Những người này dường như có vẻ không thông minh nhưng chính bởi họ biết điều mình biết nên họ có thể đưa ra những quyết định tốt hơn và học hỏi được những điều quan trọng.
Những người thông minh nhưng lại “rất bình thường”
Có những người nhận thức rất tốt song khả năng siêu nhận thức lại không tốt. Họ được coi là những thiên tài lúc còn rất trẻ khi có thể hoàn thành xuất sắc các bài test hay đạt điểm rất cao trong các kỳ thi tuyển SAT. Tuy nhiên, những học sinh này rất dễ rơi vào thất bại sau đó bởi khả năng siêu nhận thức của họ không được nhạy bén. Họ dễ trở nên kiêu ngạo, không muốn thừa nhận và học hỏi từ những sai lầm, không lĩnh hội được những sắc thái khác nhau trong các mối quan hệ cá nhân và thể hiện rõ thái độ kinh thị đối với những người nhận thức kém hơn.
Trong một “trận chiến về trí thông minh’ thì người có khả năng nhận thức cao hơn sẽ chiếm ưu thế, nhưng cuộc sống không phải chỉ có một cuộc đọ sức. Quá trình học hỏi đòi hỏi bạn phải nhận thức được điều gì bạn biết và những gì bạn chưa biết để có thể từng bước tiếp thu những gì cần thiết. Đó là điều mà những người có khả năng siêu nhận thức không tốt thường không nhận ra và không thấy được tầm quan trọng của nó.
Rất nhiều người trở nên giàu có về vật chất nhờ sự thông minh và khả năng nhận thức cao của mình. Song không ít người trong số đó giàu có nhưng đối xử tàn nhẫn với nhân viên, đồng nghiệp và thậm chí ngay cả với chính gia đình mình. Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ trong muôn vàn những ví dụ mà theo quan điểm của tôi, khả năng nhận thức cao hay sự giàu có không phải là thước đo của đức hạnh.
Sử dụng năng lực siêu nhận thức của bạn
Thế giới có quá nhiều điều cần học hỏi mà ngay cả những trí tuệ xuất chúng nhất cũng chỉ có thể nắm bắt được một phần nhỏ bé của nó. Chính vì vậy, hãy luôn đặt câu hỏi cho những gì chúng ta biết, đặt niềm tin và tôn trọng trực giác của bản thân chứ không phải ai khác và cởi mở để hấp thụ nguồn kiến thức vô hạn thay vì thụ động và không chịu học hỏi.
Sức mạnh tinh thần quan trọng nhất là khả năng hiểu được bản thân biết những gì và chưa biết những gì. Vì vậy, đừng cố che giấu sự thiếu hiểu biết của mình bởi nhận thức được điểm yếu là bước đi đầu tiên đưa bạn đến sự hoàn thiện bản thân.
Theo Trí Thức Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét